Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeSức KhỏeĂn gì khi máu nhiễm mỡ?

Ăn gì khi máu nhiễm mỡ?

Cá, thịt trắng, quả bơ có nhiều chất béo tốt, còn ngũ cốc nguyên cám và hành tây giàu chất xơ hòa tan góp phần giảm máu nhiễm mỡ.

Máu nhiễm mỡ xảy ra do mất cân bằng của các lipid như cholesterol xấu (LDL), cholesterol tốt (HDL). Máu nhiễm mỡ gây lắng đọng cholesterol ở thành động mạch và hình thành mảng xơ vữa, làm hẹp lòng động mạch. Lâu ngày, lưu lượng máu chảy qua động mạch bị ảnh hưởng, không mang đủ máu cho các bộ phận khác trong cơ thể, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tắc động mạch chi dưới…

Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Chuyên viên Dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền, khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ngoài vận động và tập luyện thì chế độ dinh dưỡng cũng quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh.

Cá và rau xanh tốt cho người máu nhiễm mỡ. Ảnh minh họa: Thanh Ba

Cá và rau xanh tốt cho người máu nhiễm mỡ. Ảnh minh họa: Thanh Ba

Cá chứa nhiều omega-3 có thể ngăn nguy cơ mắc bệnh mạch vành, giảm cholesterol trong máu. Các loại vitamin và khoáng chất có trong cá như vitamin B12 rất tốt cho sự phát triển của tế bào hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu, hỗ trợ chuyển hóa chất béo hiệu quả.

Dầu thực vật

Sử dụng các loại dầu thực vật giàu axit béo không bão hòa thay vì mỡ động vật làm giảm nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) trong máu. Axit béo không bão hòa có khả năng ức chế hấp thu cholesterol tại ruột. Từ đó, nó làm giảm cholesterol, duy trì sự cân bằng mỡ máu bằng cách giảm hấp thu đường ruột với cholesterol. Dầu thực vật còn chứa nhiều omega-3 và omega-6 hỗ trợ duy trì tính linh hoạt, ổn định của màng tế bào, điều chỉnh viêm, kiểm soát chuyển hóa mỡ trong cơ thể.

Các loại thịt trắng

Nhiều loại thịt đỏ làm tăng mức cholesterol xấu do chứa nhiều chất béo bão hòa. Người bệnh nên chọn thịt gia cầm không da để bữa ăn lành mạnh. Tránh các loại thịt đã qua chế biến nhằm giảm nguy cơ mỡ trong máu cao.

Các loại thịt trắng như thịt ngỗng, thịt gà bỏ da, thịt nạc cung cấp nhiều chất béo chưa bão hòa như omega-3 và omega-6 có tác dụng giảm nồng độ mỡ máu tích tụ trong cơ thể. Người bệnh không nên ăn da của động vật do nhiều chất béo bão hòa.

Giá đỗ

Vitamin và chất khoáng chứa trong giá đỗ bao gồm vitamin C, canxi, và sắt. Đây là loại thực phẩm có thể giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt. Mặt khác, giá đỗ còn giúp giảm triglyceride, ngăn không cho chất này tích tụ trong cơ thể. Chất chống oxy hóa trong giá đỗ góp phần bảo vệ tế bào, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

Ngũ cốc

Ngũ cốc chứa chất xơ hòa tan beta glucan làm chậm quá trình hấp thu cholesterol, qua đó giảm lượng mỡ máu gây hại cho cơ thể. Ngũ cốc còn giúp nâng cao hệ miễn dịch, tránh các tác hại xấu từ môi trường. Năng lượng từ ngũ cốc khá lớn nên cần cung cấp lượng vừa đủ so với năng lượng.

Rau củ quả

Các loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Chẳng hạn quả lê chứa lignin giúp đào thải cholesterol qua hệ tiêu hóa. Quả bơ giàu chất béo không bão hòa đơn (MUFA) có tác dụng giảm cholesterol xấu trong cơ thể. Đu đủ giàu vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, ổn định mỡ máu. Chuối cung cấp magie, kali, đường tự nhiên, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ đột quỵ. Chất xơ pectin trong táo hỗ trợ hấp thụ cholesterol dư thừa trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Rau xanh giàu chất xơ, chất chống oxy hóa giúp giảm nồng độ cholesterol, chất béo.

Gừng

Dùng gừng mỗi ngày góp phần giảm cholesterol tích tụ trong cơ thể. Gừng cũng tăng cường hoạt động đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa, gián tiếp loại bỏ mỡ nội tạng. Gừng chứa chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, ngăn ngừa viêm và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các hợp chất chống viêm trong món ăn này cũng bảo vệ gan, giảm sản xuất cholesterol dư thừa. Nấu gừng cùng món ăn hoặc uống trà gừng đều tốt cho cơ thể.

Nấm hương, mộc nhĩ

Nấm hương ít calo và chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, chất chống oxy hóa bao gồm selen, thiamin, vitamin A, B, D thúc đẩy hoạt động đường ruột, gián tiếp giảm hấp thu cholesterol. Loại nấm này còn giúp kiểm soát cân nặng, qua đó giảm áp lực lên hệ tim mạch, cải thiện quá trình chuyển hóa lipid trong máu. Mộc nhĩ có hàm lượng chất xơ, protein cao và chất béo thấp. Các vitamin và chất khoáng trong mộc nhĩ như kẽm, vitamin B6, folate, mangan có tác dụng tốt cho tiêu hóa và mạch máu.

Hành tây

Hành tây cung cấp hợp chất lưu huỳnh hữu cơ giảm mức cholesterol trong cơ thể, hỗ trợ phá vỡ cục máu đông, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Ăn hành sống để cơ thể hấp thu nhiều hợp chất lưu huỳnh. Hành tây cũng cung cấp vitamin, chất khoáng tốt như vitamin C, B6, kali, đồng… có ích cho sức khỏe.

Tỏi

Tác dụng của allicin sulfur trong tỏi là giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu ở người bệnh mỡ máu cao. Chất này còn phòng tránh tắc nghẽn mạch máu, làm chậm quá trình oxy hóa. Mỗi ngày, người trưởng thành có thể ăn 2-3 tép tỏi tươi. Allicin dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao, nên ăn tỏi sống hoặc thêm vào món ăn sau khi nấu chín.

Thanh Ba

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/an-gi-khi-mau-nhiem-mo-4838700.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay