Trẻ có nguy cơ chấn thương khi tham gia trò chơi ngoài trời, ăn thực phẩm hâm lại nhiều lần dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Trẻ được nghỉ học dài, đi du lịch và tham gia nhiều hoạt động liên hoan, ăn uống trong ngày Tết nên dễ có nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, hóc dị vật. BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý các tai nạn thường gặp ở trẻ ngày Tết và cách phòng tránh để các bé vui chơi an toàn.
Bỏng
Ngày Tết có nhiều hoạt động ăn uống. Do đó, trẻ dễ có nguy cơ bị bỏng nước sôi, dầu ăn, lửa nướng cồn… hơn thông thường. Bỏng pháo ngày Tết có thể làm tổn thương chân, tay của trẻ.
Khi trẻ bị bỏng, phụ huynh nên rửa vết bỏng bằng nước sạch, sau đó che phủ vết thương bằng khăn hoặc vải sạch và đưa đến bệnh viện. Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh, nước mắm, xà phòng hay kem đánh răng lên vết thương. Không chọc vỡ các bọng nước bỏng để tránh nhiễm khuẩn vết thương.
Bố mẹ không để trẻ nhỏ ngồi gần bếp lửa, nơi tổ chức đốt pháo, có nồi nước sôi, canh nóng, lẩu khi nấu nướng, tổ chức ăn uống. Gia đình cần che chắn ổ điện, rào chắn giường với trẻ nhỏ.
Hóc dị vật
Hóc dị vật cũng là một trong những tai nạn thường gặp vào dịp Tết. Trẻ 1-5 tuổi hoặc bé lớn chậm phát triển, có vấn đề về tâm lý, nhận thức dễ gặp tình trạng này. Các thực phẩm có xương, vỏ không được loại bỏ cẩn thận dễ làm tổn thương đường tiêu hóa. Các loại hạt rơi vào đường thở có thể gây biến chứng như suy hô hấp, dị vật phế quản phổi gây viêm phổi kéo dài.
Trẻ ngậm xúc xắc, bầu cua, cá ngựa, quân cờ lô tô… vô tình nuốt cũng gây hóc. Ngoài ra, các vật dụng khác như đồng xu, nút áo, dây chuyền có thể khiến trẻ bị tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc đường thở.
Tai nạn sinh hoạt, chấn thương
Trẻ có nguy cơ ngã khi tham gia hoạt động vui chơi, lễ hội, chạy nhảy, rượt đuổi nhau, gây chấn thương đầu, gãy xương tay chân… Bác sĩ Châu lưu ý các gia đình không cho trẻ đùa nghịch tại các khu vực có tổ ong, tổ kiến hoặc địa điểm cây cối rậm rạp nhiều côn trùng. Bố mẹ dặn dò trẻ đi đứng cẩn thận, trang bị các kỹ năng cần thiết khi đi biển, tắm sông suối.
Ngộ độc hóa chất
Gia đình không nên để hóa chất hoặc những dung dịch không uống được vào những chai nước ngọt, nước tinh khiết đã sử dụng hết, tránh xa tầm tay trẻ em. Nếu trẻ không may uống phải, hãy đưa đến cơ sở y tế ngay.
Ngạt nước
Khi đưa trẻ đi du lịch biển, đi chơi công viên nước hay hồ bơi trong kỳ nghỉ, phụ huynh cần để mắt tới con. Trường hợp trẻ ngạt nước, phụ huynh cần gọi cứu hộ (nếu có) hoặc sơ cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngộ độc thực phẩm
Ăn nhiều loại thức ăn để lâu, hâm đi hâm lại nhiều lần… ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ. Bác sĩ Châu cho biết triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1-2 ngày sau khi ăn. Biểu hiện ngộ độc thường gặp ở trẻ là nôn ói, sốt, tiêu chảy, lừ đừ, mắt trũng do mất nước… Nếu trẻ bị ngộ độc nhẹ, phụ huynh cần bù nước bằng dung dịch oresol kết hợp chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
Sốc nhiệt và mất nước
Khi trẻ tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời, bố mẹ nên bổ sung nước, điện giải cho bé. Trẻ hạn chế đến đông người bởi gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
Để hạn chế các tai nạn đáng tiếc, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh giáo dục trẻ nhận biết sự nguy hiểm, trông chừng con cẩn thận.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/cac-tai-nan-tre-thuong-gap-trong-dip-tet-4843221.html