Hà NộiVợ chồng chị Thanh kết hôn 12 năm không có con, thụ tinh ống nghiệm liên tiếp thất bại, đến lần thứ 6 mới thành công mang thai.
“Tôi không đếm nổi quãng đường đã đi, số lần vào bệnh viện, số mũi tiêm”, chị Thanh, 37 tuổi, nói khi ôm con trai đầu lòng gần hai tháng tuổi, thêm rằng may mắn hai vợ chồng đã không bỏ cuộc.
Sau kết hôn, chị Thanh uống nhiều thuốc đông y nhưng không có thai. Cả hai buồng trứng của chị có u nang, bác sĩ cắt buồng trứng phải rồi phẫu thuật nội soi bóc tách khối u kết hợp kẹp vòi trứng trái. Chị mất hoàn toàn khả năng mang thai tự nhiên.
Hai vợ chồng quyết định chuyển vào miền Nam sống và điều trị vô sinh. Tuy nhiên lần nào thụ tinh ống nghiệm (IVF) cũng tạo được rất ít phôi, chất lượng trung bình. 5 lần chuyển phôi đều không đậu thai. Chị Thanh bế tắc, tính ly hôn để giải thoát cho chồng nhưng gia đình động viên tiếp tục ra Bắc điều trị.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hình ảnh X-quang cho thấy buồng tử cung chị Thanh bình thường nên vẫn có cơ hội mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. “Điều quan trọng là cần tạo phôi chất lượng tốt và niêm mạc tử cung phù hợp để phôi làm tổ”, bác sĩ Lê Mai Anh, IVF Tâm Anh, cho biết.
Chị Thanh được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kích trứng, chọc hút thu 3 trứng (noãn) trưởng thành. Bác sĩ dùng kim thủy tinh chuyên dụng lấy tinh trùng có hình thái và di động tốt từ mẫu tinh dịch của người chồng, tiêm vào bào tương noãn tạo phôi (kỹ thuật ICSI). Các phôi thai được nuôi dưỡng trong labo vô trùng tuyệt đối. Hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse được tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo và hệ thống camera quan sát 24/24h. Môi trường bên trong tủ cấy mô phỏng buồng tử cung của người mẹ, với các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, nồng độ không khí… tối ưu. Kết quả thu được hai phôi ngày 5, trong đó một phôi chất lượng rất tốt.
Khi chuẩn bị niêm mạc tử cung để chuyển phôi, bác sĩ phát hiện nội mạc tử cung của chị Thanh tăng sinh lành tính, viêm mạn tính. Sau 14 ngày dùng thuốc kháng sinh điều trị tình trạng viêm, polyp trong buồng tử cung được cắt bỏ, giải phẫu bệnh cho kết quả lành tính.
Bác sĩ chuyển một phôi chất lượng tốt vào buồng tử cung, chị Thanh đậu thai ngay. Giáp Tết, chị nhập viện, sinh mổ thành công con trai nặng 3,4 kg.
Bác sĩ Mai Anh cho biết tỷ lệ chuyển phôi thành công phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phôi, niêm mạc tử cung, sự tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung, độ tuổi, một số bệnh nền của người mẹ. Việc đánh giá chất lượng phôi là một quá trình dựa trên kết quả quá trình phân chia tế bào ngày 3 và hình thái của phôi ngày 5. Thông thường, phôi rất tốt (phôi loại một) có tỷ lệ thụ thai cao đến 60-65%. Phôi loại hai và loại ba có tỷ lệ thành công tương ứng là 50% và dưới 33%. Phôi ngày 5 loại một cho tỷ lệ thành công lên tới 70%.
Ngoài những yếu tố không thể thay đổi như tuổi của người mẹ, số lượng và chất lượng trứng, tinh trùng, đặc điểm di truyền, thì phòng lab đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chất lượng của phôi. Hệ thống phòng lab và công nghệ nuôi cấy phôi bằng tủ time-lapse giúp quá trình theo dõi phôi diễn ra liên tục, khép kín. Từ đó đảm bảo chất lượng và khả năng sống của phôi thai, nâng cao tỷ lệ chuyển phôi thành công, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí.
Tại IVF Tâm Anh, nhờ kết hợp liệu pháp cặp đôi, phác đồ điều trị cá thể hóa cùng công nghệ nuôi cấy phôi, năm 2024 tỷ lệ IVF thành công trung bình đạt hơn 71%. Tỷ lệ đậu thai ở phụ nữ trên 35 tuổi khoảng 70% và lên tới gần 85% với trường hợp dưới 28 tuổi, bao gồm nhiều ca bệnh khó, hiếm gặp.
Trịnh Mai
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh, hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/co-con-sau-5-lan-thu-tinh-ong-nghiem-that-bai-4846098.html