Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeThế Giới“Cơn địa chấn” trong hệ thống y tế toàn cầu

“Cơn địa chấn” trong hệ thống y tế toàn cầu

Trong sắc lệnh hành pháp được ban hành ngay ngày đầu nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi tổ chức y tế đa phương lớn nhất hành tinh. Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan tạm dừng chuyển giao bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào cho WHO, đồng thời rút nhân viên khỏi các dự án hợp tác với tổ chức này. Động thái nêu trên đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rời WHO trong vòng 12 tháng tới.

Việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO không phải hành động bất ngờ, bởi trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng khởi xướng kế hoạch này và chỉ trích cách thức tổ chức y tế lớn nhất thế giới xử lý đại dịch Covid-19.

Dù đã được dự báo từ trước nhưng ngay khi được công bố, quyết định nêu trên vẫn làm rung chuyển hệ thống y tế toàn cầu, đồng thời thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong tuyên bố mới nhất, WHO hy vọng Washington có thể đảo ngược quyết định và bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ để duy trì quan hệ đối tác với “nhà tài trợ vàng”, vì lợi ích sức khỏe của hàng triệu người dân trên thế giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach coi bước đi trên là đòn giáng mạnh vào nỗ lực toàn cầu chống lại các cuộc khủng hoảng y tế.

Không khó để lý giải nỗi trăn trở của các nước và tổ chức quốc tế trước quyết định của Mỹ. Ngay cả khi Mỹ còn là thành viên, tài chính đã là bài toán nan giải của WHO trong nhiều thập niên.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh, nguồn ngân sách không ổn định là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động của WHO chưa thật sự hiệu quả và thiếu linh hoạt trong ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế bất thường. Trong bối cảnh đó, sự ra đi của Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất, đóng góp tới khoảng 18% tổng ngân sách hoạt động của WHO, có thể khoét sâu thêm lỗ hổng tài chính, khiến tổ chức đối mặt nguy cơ không thể duy trì các dự án y tế quy mô lớn, cũng như giảm khả năng ứng phó linh hoạt trước các tình huống khẩn cấp. Nhiều nhà khoa học cũng lo ngại, bước đi này có thể kéo lùi những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm như AIDS, sốt rét và bệnh lao, đồng thời làm suy yếu khả năng phòng vệ của thế giới trước những đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm mới.

Quyết định của ông Trump được đưa ra ngay vào thời điểm WHO đang loay hoay trước bài toán huy động nguồn tài chính để hỗ trợ hệ thống y tế tại các “điểm nóng” xung đột và đối phó hàng loạt dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo về sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên khắp lục địa, với hơn 200 đợt bùng phát dịch bệnh được báo cáo vào năm 2024.

Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đáng lo ngại. Trong khi dịch cúm gia cầm lây lan mạnh tại nhiều nước. Tổng Giám đốc WHO lo ngại, tình trạng tài chính bấp bênh sẽ buộc thế giới phải đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi là quyết định ai sẽ được nhận sự chăm sóc y tế và ai không.

Đối với Mỹ, một số chuyên gia cũng cảnh báo, việc rút khỏi WHO đồng nghĩa với việc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không có quyền tiếp cận các dữ liệu toàn cầu mà tổ chức này cung cấp. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các diễn đàn y tế quốc tế có thể bị suy yếu, qua đó mở đường cho các nước khác gia tăng ảnh hưởng.

Nguồn: https://nhandan.vn/con-dia-chan-trong-he-thong-y-te-toan-cau-post857711.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay