Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vừa nâng tầm vấn đề ô nhiễm bụi mịn PM2.5, từ vấn đề quốc gia lên thành nội dung cần sự hợp tác của ASEAN để đối phó.
Phát biểu với các phóng viên sau khi trở về từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ, bà Paetongtarn cho rằng cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng này không còn là vấn đề của riêng Thái Lan.
Theo bà, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm xuyên biên giới.
Theo tờ Bangkok Post ngày 26-1, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa đã được giao nhiệm vụ đàm phán với các nước ASEAN để giải quyết vấn đề trong khuôn khổ các cơ chế hiện có.
Bà Paetongtarn Shinawatra có phát biểu trên sau khi ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok buộc hơn 350 trường học phải đóng cửa hôm 24-1, con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Các quan chức địa phương đã công bố kế hoạch cho người dân sử dụng miễn phí phương tiện giao thông công cộng trong một tuần nhằm giảm lượng phương tiện giao thông tại thành phố. Người dân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà.
Lệnh cấm đốt rơm rạ cũng được ban hành và người vi phạm có nguy cơ bị truy tố.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra còn kêu gọi áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để giải quyết ô nhiễm, trong đó có hạn chế hoạt động xây dựng tại thủ đô và tìm kiếm sự hợp tác từ các nước láng giềng.
Hôm 23-1, mức độ bụi mịn PM2.5 nguy hại cho sức khỏe được ghi nhận tại 44 trong số 77 tỉnh của Thái Lan. Chỉ có 6 tỉnh báo cáo chất lượng không khí ở mức trung bình đến tốt.
Riêng ở Thủ đô Bangkok, chất lượng không khí vẫn ở mức kém, với 23 khu vực được phân loại là “vùng đỏ” do mức độ PM2.5 không an toàn hôm 25-1.
Bangkok đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới hôm 24-1, theo đánh giá của Công ty IQAir (Thụy Sĩ). Trong khi đó, Thủ đô Phnom Penh – Campuchia đứng thứ 4.
Bộ Môi trường Campuchia cùng ngày xác nhận rằng chất lượng không khí ở Phnom Penh và ba tỉnh Banteay Meanchey, Koh Kong và Siem Reap đã đạt mức “đỏ”, có nghĩa là ô nhiễm cao. Tuyên bố của bộ này cho biết ô nhiễm không khí là do biến đổi khí hậu, đốt rác thải và cháy rừng.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, Bộ Y tế Campuchia hôm 25-1 khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Bộ này cũng khuyến cáo người dân nên ở trong nhà khi chất lượng không khí ở khu vực của họ được phân loại là ô nhiễm cao (mức đỏ) hoặc ô nhiễm rất cao (mức tím), hoặc khi bầu trời bị sương mù do sự gia tăng của không khí ô nhiễm.
Theo báo cáo mới của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí và đây được xem là “tác động thứ cấp của các mối nguy hiểm do khí hậu gây ra”.
Nguồn: https://nld.com.vn/thai-lan-campuchia-bao-dong-o-nhiem-khong-khi-196250126091904634.htm