Mới đây, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cùng đoàn công tác bệnh viện đã đến thăm hỏi, tặng quà và trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho 2 gia đình có người thân hiến tạng.
Đó là gia đình của bà Đ.T.T.T. (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) và gia đình anh L.M.C. (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Tại các buổi gặp mặt, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu đã thay mặt bệnh viện và các bệnh nhân được nhận tạng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nghĩa cử cao quý của người hiến tạng cùng gia đình.
Trong khoảnh khắc nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ trưởng Bộ Y tế, chị K. (con gái bà Đ.T.T.T.) chia sẻ, mẹ cô là người đầu tiên trong gia đình đăng ký hiến tạng.
“Mẹ thường nói từ trước đến giờ không làm được gì, nên chỉ mong mọi người ủng hộ mẹ làm chuyện này. Vì vậy, nếu mẹ biết được quyết định của mình đã giúp được nhiều người như vậy, thì mẹ sẽ rất vui. Chúng tôi cũng yên lòng khi mẹ thực hiện được tâm nguyện”, T. xúc động trải lòng.
Bên cạnh đó, chị K. cũng gửi lời cảm ơn Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp kịp thời, để mẹ mình có cơ hội thực hiện được nguyện vọng ấp ủ khi còn sống.
Trước đó, mẹ chị K. bị đột quỵ dẫn đến chết não. Đại diện gia đình đã hiến toàn bộ tạng gồm 2 thận, tim, gan và giác mạc của bệnh nhân, để tiếp nối sự sống cho 5 trường hợp đang đứng giữa lằn ranh sinh tử.
Thay mặt chính quyền địa phương, bà Ngô Thị Hoàng Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn (TPHCM) bày tỏ sự cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng. Nghĩa cử cao quý của họ đã giúp “hồi sinh” nhiều số phận không may khác.
“Việc hiến tạng cứu người khi chẳng may chết não hoặc ngừng tim đã lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng, và đang ngày càng được hưởng ứng trong xã hội”, đó là nhận định của gia đình anh L.M.C. (tỉnh Tiền Giang).
Trước đó, anh C. không may bị tai nạn giao thông. Khi được đưa vào bệnh viện, dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức, nam bệnh nhân vẫn không thể tránh được tình trạng chết não.
Nén nỗi đau, gia đình anh C. đã quyết định hiến 2 quả thận, tim, gan, 2 giác mạc và da để giúp hồi sinh những con người đang không may mắc bệnh cần được ghép tạng. Khi nghe về quyết định này, không chỉ người thân, họ hàng mà hàng xóm xung quanh nhà cũng rất ủng hộ gia đình bệnh nhân.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, câu chuyện của 2 gia đình người hiến tạng nêu trên là minh chứng sống động cho lòng nhân ái, vượt qua các quan niệm xưa cũ, để giúp hồi sinh và nối tiếp sự sống cho cuộc đời.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, ghép tạng là thành tựu lớn nhất nhân loại trong thế kỷ 20.
Ở Việt Nam, chúng ta đã thành công trong việc ghép hầu hết các tạng, đã hình thành nên các chuỗi bệnh viện hiến và ghép tạng. Việt Nam cũng là nước có số ca ghép tạng cao nhất Đông Nam Á (trên 1.000 ca).
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn vì nguồn hiến tạng còn rất hạn hữu, chủ yếu là người cho sống. Trong khi ở các nước, tạng hiến chủ yếu từ người cho chết não.
Mỗi năm, nước ta ghép thận trung bình 1.000 ca, ghép gan trung bình khoảng 100 ca. Việt Nam đã ghép tim được 90 ca, 13 ca ghép phổi, 2 ca ghép tụy… Nếu tính ghép tạng từ người cho sống, Việt Nam cao hơn Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác (tỷ lệ 9 ca/1 triệu dân).
Nhưng ghép từ nguồn người cho chết não, Việt Nam lại có tỷ lệ thấp nhất khu vực. Theo số liệu thống kê, nước ghép tạng từ nguồn cho chết não là Tây Ban Nha, với 49 ca/1 triệu dân. Ở Thái Lan, tỷ lệ này là hơn 6 ca/triệu dân, nhưng tại Việt Nam chỉ đạt mức 0,15 ca/1 triệu dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não gấp 6 lần so với năm 2023. Số bệnh nhân chết não hiến tạng năm qua là 39 ca, cao kỷ lục ở Việt Nam tính đến nay.
Tuy vậy, tỷ lệ hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng. Số lượng ca chờ ghép cao, những người chờ ghép tạng vẫn còn rất nhiều.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/con-gai-nguoi-hien-tang-cuu-5-nguoi-me-da-thuc-hien-duoc-tam-nguyen-20250110150456175.htm