Đến ngày 10/4/2024, Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Hợp Phì đã phát hành một thông báo cho biết: “Vào ngày 1 tháng 4 năm 2024, Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Hợp Phì nhận được báo cáo từ đơn vị thi công về việc phát hiện một ngôi mộ tại công trường ở khu vực Dao Hải. Bộ phận Giám sát và Bảo vệ Di sản Văn hóa đã đến hiện trường và phát hiện phần trên của ngôi mộ đã bị xáo trộn. Ngay lập tức, báo cáo đã được gửi đến Cục Di sản Văn hóa tỉnh và công tác dọn dẹp được tiến hành kịp thời.”
Chiều ngày 17 tháng 4, phóng viên đã đến công trường phát hiện ngôi mộ cổ theo thông tin từ video. Một công nhân tại hiện trường cho biết, ngôi mộ này đã được phát hiện vào cuối tháng 3 trong quá trình thi công.
“Lúc đó, máy xúc đang làm việc và khi phát hiện, nắp quan tài đã bị lật lên,” công nhân này cho biết.

(Hiện trường)
Phát hiện bên trong ngôi mộ
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ Di tích Văn hóa Hợp Phì, ngôi mộ được phát hiện là một mộ huyệt đất hình chữ nhật, gia cố bằng đá phiến. Mộ nằm ở độ sâu khoảng 25 cm dưới lớp đất bề mặt, phần phía nam đã bị hư hại do quá trình thi công.
Kích thước của mộ dài khoảng 2,2-2,3 mét, rộng 0,8-1 mét. Bên trong, quan tài gỗ đã bị sụp đổ, chỉ còn lại một số mảnh ghép dọc và tấm ván ngang ở phần đầu. Phần đá xếp xung quanh có màu đỏ và xám, gồm các phiến đá sa thạch hình chữ nhật.
Về cấu trúc còn lại của ngôi mộ, đáy quan tài và các tấm ván bên hông quan tài đều được ghép nối bằng kỹ thuật mộng, ngoài ra các tấm đá bao quanh quan tài được ghép nối bằng đá thanh. Phần đỉnh quan tài bị hư hại không rõ ràng. Lớp đất phủ trên mộ gồm đất hoa, màu sắc khá hỗn tạp và đất mềm, dưới lớp đất này là một lớp bùn nhão màu xám, đất đặc và khá tinh khiết.
Trong mộ, ở khu vực phía Bắc có nhiều xương người rải rác. Gần đó phát hiện 43 đồng tiền đồng, bao gồm các loại như “Khai Nguyên Thông Bảo”, “Tường Phù Thông Bảo” và “Thuận Hi Nguyên Bảo”. Ở khu vực Tây Bắc, lại phát hiện đồng tiền vàng khắc dòng chữ “A Di Đà Phật” và một chiếc gương đồng với họa tiết đôi rồng. Bên cạnh gương đồng, phía Đông Nam của mộ còn phát hiện một chiếc lược gỗ bị hư hại.

Tiền bằng vàng khắc chữ ‘A Di Đà Phật’(Ảnh từ Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Hợp Phì)
Giá trị khảo cổ của cổ mộ
Chiều ngày 17/4, phóng viên đã liên hệ với ông Hạ – Trưởng phòng Giám sát và Bảo vệ Di tích của Trung tâm Bảo vệ Di tích Văn hóa Hợp Phì, người trực tiếp tham gia điều tra tại hiện trường. Ông Hạ cho biết, trong những năm gần đây, nhiều ngôi mộ thời Tống đã được phát hiện tại Hợp Phì, đặc biệt ở khu Dao Hải và Tân Hồ. Các dạng mộ phổ biến gồm mộ gạch hình thuyền, mộ gạch mô phỏng kiến trúc gỗ và mộ đá.

“Ảnh in dấu của chiếc gương đồng khắc hoa văn đôi rồng” (Ảnh từ Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Hợp Phì)
Tuy nhiên, việc phân định mộ thời Bắc Tống hay Nam Tống không hề dễ dàng, do trong nhiều ngôi mộ Nam Tống vẫn xuất hiện đồng tiền Bắc Tống (Cách ngày nay khoảng 800 năm). Vì vậy, phát hiện lần này có ý nghĩa quan trọng vì trong ngôi mộ có đồng “Thuần Hi Nguyên Bảo” – loại tiền xu chỉ lưu hành trong thời Nam Tống nên đã giúp xác định chính xác niên đại của ngôi mộ. Đây cũng là lần đầu tiên tại Hợp Phì phát hiện một ngôi mộ Nam Tống có thể xác định niên đại rõ ràng.
Ngoài ra, đồng tiền vàng “A Di Đà Phật” được tìm thấy trong mộ là một cổ vật hiếm gặp. Kết quả phân tích cho thấy đồng tiền này chứa 68,22% vàng và 29,3% bạc. Sự xuất hiện của vật phẩm này cung cấp thêm tư liệu rất quan trọng về tín ngưỡng tôn giáo cũng như phong tục an táng của người dân Hợp Phì dưới thời Nam Tống.
Việc phát hiện và nghiên cứu ngôi mộ này giúp giới khảo cổ hiểu rõ hơn về cấu trúc mộ táng, phong tục chôn cất và đời sống văn hóa của Hợp Phì thời Nam Tống. Có thể nói, đây là một phát hiện có giá trị lớn trong công tác nghiên cứu lịch sử khu vực.
Theo Baidu
Nguồn: https://kenh14.vn/cong-truong-dung-thi-cong-khan-cap-may-xuc-dao-trung-vat-the-la-kho-bau-800-nam-tuoi-lap-lanh-duoc-dao-len-quy-hon-vang-215250217080343288.chn