Dù không phải cách ăn thông thường nhưng măng tây hoàn toàn có thể ăn sống. Măng tây tươi khi chưa nấu chín sẽ giòn hơn và có thể dùng làm nguyên liệu cho các món rau trộn, theo chuyên trang sức khỏe Heathline (Mỹ).
Măng tây khi còn sống rất giàu dinh dưỡng, chứa đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu. Đây là nguồn cung cấp chất lượng vitamin K, loại vitamin quan trọng với quá trình đông máu và có thể giúp xương chắc khỏe.
Măng tây sống cũng chứa vitamin C, một chất chống ô xy hóa mạnh có tác dụng củng cố miễn dịch và giúp vết thương mau lành. Hàm lượng vitamin B trong măng tây sống rất cần thiết cho quá trình tổng hợp và sửa chữa ADN. Ngoài ra, măng tây sống còn có nhiều dưỡng chất quan trọng khác như vitamin A, E, protein, chất xơ, sắt, canxi, magiê, phốt pho và kali.
Bất kỳ loại rau nào khi nấu chín của sẽ thay đổi hàm lượng dinh dưỡng. Vì nhiệt độ nóng sẽ làm thay đổi cấu trúc của một số dưỡng chất, khiến hàm lượng một số chất tăng, trong khi số khác lại giảm.
Cụ thể, măng tây khi nấu chín sẽ làm tăng hàm lượng a xít folic, kali, selen, vitamin C và vitamin K. Chất chống ô xy hóa trong măng tây cũng sẽ tăng lên sau khi được nấu chín. Chính những chất chất chống ô xy hóa này sẽ bảo vệ tế bào của bạn khỏi tổn thương do các gốc tự do, từ đó giảm viêm, làm chậm lão hóa và ngăn ngừa ung thư.
Trong khi đó, nấu chín sẽ làm giảm một số dưỡng chất nhạy cảm với nhiệt độ trong măng tây. Chẳng hạn, măng tây chín sẽ có hàm lượng sắt và canxi thấp hơn măng tây sống.
Dù nấu chín hay ăn sống thì măng tây đều chứa nhiều dưỡng chất có lợi. Tùy theo nhu cầu và sở thích mà một người sẽ chọn ăn sống hay nấu chín.
Với những người ăn sống, các chuyên gia khuyến cáo nên rửa sạch măng tây trước khi ăn để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Cắt bỏ phần cuốn và thái thành lát mỏng sẽ dễ ăn hơn. Những người hay bị đầy hơi, chướng bụng nên hạn chế ăn măng tây sống vì dễ khiến các vấn đề tiêu hóa này thêm nặng, theo Heathline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mang-tay-an-song-hay-nau-chin-se-giau-dinh-duong-hon-185241107115339223.htm