Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeKinh DoanhMỗi kỹ sư là viên gạch xây nên tòa nhà công nghiệp...

Mỗi kỹ sư là viên gạch xây nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn vững chắc

Dồn lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Vietnam 2024) sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đến tự động hóa.

Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.

“Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp đất nước tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mỗi kỹ sư là viên gạch xây nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn vững chắc - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc SEMIExpo Vietnam 2024. (Ảnh: Đức Trung)

Lợi thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Thứ nhất, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam ưu tiên lựa chọn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược nhằm phát triển nhanh, bền vững, trong đó phát triển công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng

Thứ hai, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Thứ ba, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Dũng cho biết trong kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chính sách mới để phát triển các ngành công nghệ cao. Theo đó, các dự án công nghệ cao như bán dẫn không phải xin giấy phép đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư không phải làm các thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy mà chỉ cần cam kết thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn có sẵn. Quy trình thủ tục được rút ngắn và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Đây là bước cải tiến rất mạnh về chính sách với các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và rất quan trọng với các nhà đầu tư trong thời gian tới”, Bộ trưởng cho biết.

Chính sách thứ hai cũng đã được Chính phủ đề xuất là thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho ngành công nghệ cao. Quỹ đầu tư này không chỉ dùng vốn trung ương mà các địa phương cũng được dùng ngân sách của mình để thành lập quỹ hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao theo chính sách riêng của địa phương.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/moi-ky-su-la-vien-gach-xay-nen-toa-nha-cong-nghiep-ban-dan-vung-chac-20241107180422000.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay