Sáng 22.2, khoa Y, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo khoa học ngành y học cổ truyền với chủ đề “Những nghiên cứu mới trong lĩnh vực y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại”. Sự kết hợp này đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, nhất là bệnh đột quỵ.
TS-BS Nguyễn Văn Tùng, giảng viên Trường cao đẳng y tế Khánh Hòa cho biết, di chứng suy giảm chức năng đột quỵ vừa gây đau khổ cho chính bệnh nhân, vừa là gánh nặng cho gia đình và xã hội; phục hồi càng chậm trễ càng kém hiệu quả.

TS-BS Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại chương trình
“Di chứng suy giảm chức năng đột quỵ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như: 16% người bệnh nằm liệt giường (tại nhà, bệnh viện), chỉ có 10% đến 20% khỏi bệnh, 3/4 bệnh nhân mất khả năng lao động, 2/3 bệnh nhân phải dùng dụng cụ hỗ trợ như máy móc, xe lăn, nạng…”, TS nói.
Theo TS Tùng, 3 tháng sau đột quỵ là thời điểm rất đáng quan tâm vì điều trị trong khoảng thời gian này tương đối tốt. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, 70% người bệnh đi lại độc lập, 60% mặc được quần áo, 63% tự đút ăn uống, 65% tiêu tiểu tự chủ, 75% có thể tự di chuyển.
TS Tùng lưu ý rằng, sau 3 đến 6 tháng, sự phục hồi của người bệnh đột quỵ hầu như không đáng kể. Việc cải thiện vận động của bệnh nhân được điều trị sớm (10 – 35 ngày sau đột quỵ) tốt hơn đáng kể so với khi được điều trị trễ sau 35 – 100 ngày. Sự phục hồi vận động của bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ đến điều trị trễ sau 3 tháng là gần như không đáng kể.
Ngoài ra, TS Tùng còn cho biết, phác đồ phối hợp châm cứu cải tiến, tập vật lý trị liệu, chế phẩm bổ dương hoàn ngũ có hiệu quả phục hồi vận động trên bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ sau 3 tháng. Sau điều trị, số bệnh nhân tốt và khá tăng 47,4% chỉ số vận động toàn thân, tăng lên gấp 1,5 lần. Chỉ số vận động chi trên tăng lên gấp 7,1 lần. Chỉ số vận động chi dưới nhanh hơn 2 lần.
Bàn về sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong châm cứu ở Đài Loan, GS Fang-Pey Chen, Trưởng khoa y học cổ truyền, Đại học National Yang Ming Chiao Tung cho biết: “Châm cứu là một phương pháp điều trị đột quỵ đã được sử dụng hàng ngàn năm. Phương pháp này được khuyến nghị trong nhiều hướng dẫn phục hồi chức năng sau đột quỵ của các nền y học phương Tây”.

GS Fang-Pey Chen phát biểu tại chương trình
Theo GS Fang-Pey Chen, y học cổ truyền có thể kết hợp cùng y học hiện đại. Phương pháp này mang đến những hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt lành tính, cải thiện di chứng sau phẫu thuật khối u não, bệnh lý thần kinh ngoại biên người bệnh ung thư, hội chứng suy nhược người cao tuổi.
GS Fang-Pey Chen khuyến cáo, châm cứu và phục hồi chức năng nên bắt đầu sớm ở người bệnh đột quỵ. Việc khởi đầu châm cứu sớm cho thấy lợi ích trong việc phục hồi sau đột quỵ. Châm cứu muộn cần nhiều lần châm cứu hơn châm cứu sớm trong cùng một khoảng thời gian ở bệnh viện để đạt được sự cải thiện về chức năng vận động sau đột quỵ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, y học cổ truyền và châm cứu đã lan tỏa đến hơn 196 quốc gia trên toàn thế giới.
“Y học cổ truyền là một phần quan trọng nhưng thường bị đánh giá thấp trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ở một số quốc gia, y học cổ truyền có lịch sử lâu đời trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật”.
Theo bác sĩ, y học cổ truyền có những cơ hội và thách thức nhất định. Hiện nay, chính sách y tế thế giới ngày càng tập trung bổ sung y học cổ truyền. Chính sách và pháp luật quốc gia và khu vực ưu tiên. Ý thức chăm sóc sức khỏe và môi trường làm việc ở ngành nghề liên quan đến y học cổ truyền ngày càng cao…
Ngoài ra, lĩnh vực này vẫn gặp một số thách thức về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và dịch vụ y học cổ truyền; các tiêu chuẩn phát triển y học cổ truyền…
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-di-chung-nang-ne-cua-dot-quy-185250222113224606.htm