Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeThế Giới"Tàn tích hành tinh khác" xuất hiện khắp nơi trong Trái Đất

“Tàn tích hành tinh khác” xuất hiện khắp nơi trong Trái Đất

Nghiên cứu cách mà sóng địa chấn di chuyển xuyên qua các lớp cấu trúc của Trái Đất, các nhà khoa học từ Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) và Viện Công nghệ California (Caltech – Mỹ) đã phát hiện những cấu trúc “không nên tồn tại”.

Tan tich hanh tinh khac xuat hien khap noi trong

Bản đồ bên trong Trái Đất cho thấy sự tồn tại của các cấu trúc lạ, nơi sóng địa chấn đi qua chậm hơn (màu đỏ) hoặc nhanh hơn (màu xanh)

Theo Science Alert, tận dụng sức mạnh của siêu máy tính Piz Daint để xử lý dữ liệu từ mọi loại sóng địa chấn, nhóm tác giả Thụy Sĩ – Mỹ đã ghép được một bản đồ chi tiết chưa từng có về lớp phủ dưới của Trái Đất.

Hành tinh của chúng ta vốn có 5 lớp chính. Ngoài cùng là lớp vỏ, nơi các lục địa và đại dương đang ngự trị bên trên, được tạo thành bởi trên 20 mảng kiến tạo lớn nhỏ.

Bên dưới vỏ lần lượt là lớp phủ trên, lớp phủ dưới, lõi ngoài và lõi trong.

Quá trình lập bản đồ đã chỉ ra thứ rất giống các mảng kiến tạo, tức các mảnh vỏ Trái Đất, xuất hiện trong lớp phủ dưới, nhiều vô kể.

Chúng lộ tung tích vì sóng địa chấn đi qua các khu vực này sẽ thay đổi về vận tốc, do thành phần của chúng khác với lớp phủ. Các nhà địa chất hay gọi chúng là những “đốm màu” bí ẩn bên trong cấu trúc hành tinh.

Những mảng kiến tạo của Trái Đất có xu hướng chìm vào lớp phủ trong quá trình hút chìm, một phần của kiến tạo mảng.

Đó là khi một mảng trượt xuống bên dưới các mảng khác rồi chìm sâu vào bên trong hành tinh, như một con tàu đắm. Nhưng chúng sẽ không chìm quá xa so với nơi đã “đắm”.

Tuy nhiên, bản đồ mà nhóm nghiên cứu vừa lập nên cho thấy cho thấy những mảng lớn giống như mảng kiến tạo hiện diện trên khắp thế giới, nhiều mảng nằm cách xa bất kỳ vùng hút chìm nào được biết đến trong lịch sử địa chất gần đây, ví dụ một mảng lớn ở Tây Thái Bình Dương.

Nhà khoa học Trái Đất Thomas Schoutentừ ETH Zurich, đồng tác giả, cho rằng những khối không thể giải thích này có thể có nhiều nguồn gốc khác nhau, không nhất thiết là do sự hút chìm.

Trong bài công bố trên tạp chí Scientific Reports, nhóm tác giả đặt ra nhiều giả thuyết.

Đó có thể là vật liệu cổ xưa, giàu silica đã tồn tại từ khi lớp phủ hình thành cách đây khoảng 4 tỉ năm và vẫn tồn tại mặc dù có sự chuyển động đối lưu trong lớp phủ, hoặc là các vùng mà đá giàu sắt tích tụ do các chuyển động của lớp phủ trong hàng tỉ năm.

Ví dụ, chúng bao gồm có thể là các lớp tách ra từ đáy mảng kiến tạo, vốn mỏng hơn nhiều so với mức bình thường khi gần bề mặt.

Trước đó, một số nghiên cứu có sự tham gia của ETH Zurich cũng đặt ra giả thuyết thú vị hơn cho một số mảng vật liệu trong số những thứ vừa được xác định: Đó có thể là phần còn lại chưa bị “tiêu hóa” của Theia.

Theia là tên một hành tinh giả thuyết to bằng Sao Hỏa, mà nhiều nhà khoa học cho là đã va chạm với Trái Đất sơ khai khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Vụ va chạm đã khiến vật liệu 2 hành tinh bị hòa vào nhau, trong đó Trái Đất gần như “nuốt chửng” Theia và tạo nên Trái Đất ngày nay. Một số mảnh vỡ từ cả 2 văng lên quỹ đạo, dần kết tụ thành Mặt Trăng.

Nguồn: https://nld.com.vn/tan-tich-hanh-tinh-khac-xuat-hien-khap-noi-trong-trai-dat-196250114102653064.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay