Theo dõi các chỉ số sức khỏe trên đồng hồ thông minh
Ngày 1/11, báo Dân trí phối hợp cùng Huawei tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe: Lợi ích và những điều cần lưu ý”.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bác sĩ Ngô Tiến Thái, chuyên gia sức khỏe cộng đồng, cho biết, tại Việt Nam, thời gian gần đây, đặc biệt là sau Covid-19, nhu cầu tập luyện thể thao của người dân tăng lên nhiều. Nhiều người bắt đầu quen dần với các thuật ngữ trước đây chỉ có “dân chuyên” quan tâm, như nhịp tim tối đa, SpO2, Vo2MAX…
Từ đó, các hãng công nghệ phát triển mẫu đồng hồ thông minh có kích thước nhỏ gọn, tăng sự chính xác để người dùng có thể có con số khá chính xác để theo dõi quá trình tập luyện của bản thân.
Trong đó, chỉ số thường dùng nhất với đồng hồ thể thao là nhịp tim, từ đó chúng ta có thể hiểu được tình trạng sức khỏe của mình có nên tiếp tục hay không hay cần thay đổi bài tập.
Mới đây, Huawei ra mắt dòng sản phẩm có thể theo dõi huyết áp. Theo BS Thái, đây là sự phát triển rất tốt, người dân đeo đồng hồ có thể theo dõi sự biến thiên huyết áp, có thể cộng trừ chút xíu sai số nhưng nó đưa ra định hướng về huyết áp để có tham vấn ngay lập tức với bác sĩ.
Chẳng hạn, sáng bệnh nhân uống thuốc, huyết áp ổn định ở mức 120 là tốt, nhưng chiều chưa uống thuốc mà huyết áp tăng vọt lên, nhờ có đồng hồ thông minh chúng ta thấy được sự tăng lên của huyết áp, từ đó tham vấn bác sĩ để xem cần can thiệp như thế nào?
Ông cho rằng, đây là công cụ tốt không chỉ với vận động viên mà người dân có bệnh lý như tăng huyết áp.
Ông La Hồng Hưng, Trưởng Bộ phận Phát triển Sản phẩm, Nhóm Kinh doanh Tiêu dùng Huawei Việt Nam, cho biết thêm, ngay từ năm 2015, Huawei đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ đo huyết áp cho thiết bị đeo, và mang đến đột phá trong công nghệ này vào năm 2019.
Năm 2020, quá trình xác minh nguyên mẫu đã hoàn tất và bắt đầu chuyển đổi sản phẩm thương mại và thế hệ đồng hồ có tính năng đo huyết áp đầu tiên của HW – Huawei Watch D đã được ra mắt vào năm 2021.
Huawei Watch D2 là sản phẩm theo dõi huyết áp động, có thể đo được 24/7. Điều này liên quan đến nhiều năm tích lũy kỹ thuật, thử nghiệm lâm sàng, phản hồi của người dùng và hiểu biết về thị trường, trong thời gian đó Huawei đã thúc đẩy nghiên cứu sức khỏe huyết áp.
Theo ông, chiếc đồng hồ Huawei Watch D2 đo huyết áp bằng túi khí cơ học siêu mỏng được tích hợp ngay trên dây đeo, khi người dùng tiến hành đo huyết áp; túi khí sẽ phồng lên từ từ giống bóp cao su trên máy đo huyết áp; bóp sát lấy cổ tay để đo áp lực máu hiệu quả.
Túi khí này được kết nối với máy bơm mini bên trong, loại dây đeo đặc biệt này mô phỏng chính xác cách hoạt động của quả bóp cao su trong các máy đo huyết áp truyền thống, cho phép đo áp lực máu trực tiếp và hiệu quả. Túi khí nằm gọn trong dây đeo và chúng ta có thể đo 24/7 trong những trường hợp cần thiết.
Theo BS Thái, cơ chế của đồng hồ mang tính chính xác tương tự như thiết bị đo bằng cơ tại bệnh viện. Nó hữu dụng hơn là có thể đeo hằng ngày, chứ không phải kè kè bộ đo huyết áp bằng cơ khi đi làm, đi du lịch, thiết bị nhỏ gọn đi theo mình suốt cả ngày.
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, đồng hồ có tính năng Quản lý sức khỏe toàn diện, chỉ cần một chạm có thể kiểm tra lên đến 9 chỉ số sức khỏe như nhịp tim, SpO2, nhiệt độ trên da, tình trạng căng thẳng, huyết áp, điện tâm đồ… giúp người dùng có cái nhìn tổng quát về tình trạng sức khỏe của bản thân trong một lần chạm như vậy.
Đồng hồ sẽ đưa ra sự nghi ngờ bất thường nếu có.
Hơn thế nữa, khi người dùng đeo khi ngủ, đồng hồ với khả năng theo dõi giấc ngủ khoa học, nhận biết hơi thở bất thường khi ngủ để từ đó giúp phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ. Một số sản phẩm đặc thù của chúng tôi sẽ đo lường thêm điện tâm đồ (ECG) và huyết áp, để có thể theo dõi sức khỏe một cách toàn diện
“Nếu người dùng yêu thích các bộ môn thể thao, chúng tôi có dòng Huawei Watch GT, các bạn trẻ yêu thích thời trang, năng động thì có thể sử dụng các sản phẩm dòng FIT hoặc vòng đeo tay thông minh Band.
Nếu người dùng đam mê công nghệ và những cải tiến thì có thể chọn dòng Watch Digit cũng như Watch Ultimate và quan tâm đến những người thân trong gia đình chúng tôi có đồng hồ thông minh trẻ em và đồng hồ với những tính năng chăm sóc sức khỏe nâng cao”, ông Hưng nói.
Sử dụng đồng hồ thông minh thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia, bên cạnh tham khảo các chỉ số này chúng ta cũng cần lắng nghe cơ thể mình. Ví dụ, theo BS Thái, nếu chúng ta là người tập luyện trong thời gian dài, nếu ngày hôm đó cảm thấy đuối sức thì chúng ta nên dừng tập.
Còn nếu là bài tập dành cho một số người muốn làm cơ thể thích nghi sự khắc nghiệt để tham gia cuộc thi cạnh tranh như 3 môn phối hợp (bơi-đạp-chạy) hoặc đòi hỏi cường độ cao để quen với sức tải thì chúng ta nên tùy vào mục đích của vận động viên để có phương án tập luyện tiếp hay dừng lại.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong y văn, thậm chí ở cả vận động viên thành tích cao, luôn có trường hợp có tiềm ẩn bệnh lý tim mạch.
Khi tập luyện ngưỡng khu vực thì sức tải, sức chịu đựng thích nghi tốt nhưng trong một ngày xấu trời, sự gắng sức hơi quá đáng khiến hệ tim mạch của vận động viên không chịu được, dẫn đến tình trạng sức khỏe tệ đi, thậm chí có trường hợp trụy tim mạch, tử vong.
“Vì thế, chúng ta cần trang bị các thiết bị để theo dõi sự thay đổi về tình trạng sức khỏe, nhịp tim… như sản phẩm của Huawei sẽ ghi được điện tâm đồ, không chính xác bằng điện tâm đồ y tế nhưng chúng ta biết được nhịp tim đó, tần số tim đó có ổn để tiếp tục vận động một cách khắc nghiệt như vậy”, BS Thái chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, biến thiên nhịp tim tùy thuộc vào từng cá nhân, theo dõi liên tục sẽ phù hợp với cá nhân riêng biệt, mỗi người có chỉ số khác nhau. Nếu chúng ta theo dõi khoảng 3 ngày và nhận thấy có sự thay đổi thì chúng ta nên cần phải lưu ý và kiểm tra tại cơ sở y tế.
“Việc chúng ta theo dõi sự biến thiên nhịp tim, nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm là tín hiệu của bất thường, chúng ta nên đến tham khảo các chuyên gia y tế và dựa vào đó để hiểu bản chất tại sao nhịp tim nhanh hoặc chậm”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ, đồng hồ Huawei có khả năng đưa ra những nghi ngờ, nguy cơ về rung nhĩ hay ngoại thu tâm thất. Ngoại thu tâm thất có thể xảy ra ngay cả ở người khỏe mạnh, có nhiều nguyên nhân như căng thẳng lo âu, mất ngủ, làm việc quá sức hay uống rượu bia.
Nếu sau khi theo dõi nhịp tim 3 ngày trở lên, kết quả đo cao hơn 10% kèm cảm giác khó chịu thì bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
“Mỗi cá nhân có con số riêng, một chút thay đổi có thể gây lo lắng nhưng để biết chắc chắn chúng ta cần tham vấn của chuyên gia y tế. Việc quá phụ thuộc vào các thiết bị thông minh mà quên mất lắng nghe cơ thể mình là điều không nên.
Vì thế, chúng ta cần lắng nghe cơ thể mình, yêu thương bản thân mình hơn”, ông Hưng nói.
Độc giả có thể theo dõi lại toàn bộ cuộc tọa đàm tại đây.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/theo-doi-suc-khoe-voi-dong-ho-thong-minh-sao-cho-dung-20241104095224631.htm