Cụ thể, Myanmar có đến 7 lần vô địch U19 hoặc U20 châu Á, vào các năm 1961, 1963, 1964, 1966, 1968, 1969 và 1970. Thái Lan có hai lần vô địch vào các năm 1962 và 1969. Còn Indonesia có một lần vô địch giải đấu này năm 1961.
Đáng chú ý, năm 1961, Myanmar và Indonesia được công nhận là các đội tuyển đồng vô địch. Năm 1969, Myanmar và Thái Lan là các đội tuyển đồng vô địch.

U20 Thái Lan từng vô địch U20 châu Á trong quá khứ (Ảnh: AFC).
Số lần vô địch U20 châu Á của Myanmar xếp thứ nhì châu lục, chỉ kém kỷ lục của Hàn Quốc (12 lần), bỏ xa Nhật Bản (mới vô địch một lần). Mặc dù vậy, lần gần nhất bóng đá Đông Nam Á vô địch U20 châu Á từ năm 1970, tức cách đây đến 55 năm.
Giai đoạn từ năm 1970 trở về trước, các nền bóng đá Ả rập chưa mạnh, do các quốc gia này chưa giàu. Kể từ sau khi dầu mỏ trở thành nguồn nhiên liệu thiết yếu trên toàn cầu, ở kỷ nguyên cơ giới hóa, các quốc gia Ả rập giàu lên. Từ đó, các nền bóng đá Ả rập mạnh lên, bóng đá Đông Nam Á bị tụt lại phía sau.
Cụ thể, từ thập niên 1970 trở về sau này, Iraq có 5 ngôi vô địch U20 châu Á (1975, 1977, 1978, 1988 và 2000), Saudi Arabia có 3 danh hiệu (1996, 1992 và 2018), Qatar có một lần vô địch (2014), Syria có một lần giành cúp (1994) và UAE có một danh hiệu (2008).
Khâu đào tạo trẻ của các nền bóng đá khối Ả rập, khâu đào tạo trẻ tại các nền bóng đá Tây Á tốt hơn nhiều so với khâu đào tạo trẻ ở các nền bóng đá Đông Nam Á, khiến cho các nền bóng đá trong khu vực ngày càng tụt hậu.

Khi không có cầu thủ nhập tịch, U20 Indonesia (áo đỏ) quá yếu (Ảnh: AFC).
Lần gần nhất một đội bóng Đông Nam Á tiến xa tại giải U20 (hoặc U19) châu Á là vào năm 2016. Đội tuyển U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn hiện diện ở bán kết, sau đó giành được quyền tham dự vòng chung kết (VCK) World Cup U20.
Thế hệ lọt vào VCK World Cup U20 năm 2016 của U20 Việt Nam, gồm những cầu thủ như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, thủ môn Bùi Tiến Dũng sau này rất nổi tiếng, giành nhiều vinh quang cho bóng đá Việt Nam.
Riêng Quang Hải và Tiến Linh lọt vào nhóm 5 cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam từng hai lần vô địch AFF Cup (2018 và 2024).
Thành tích của U20 Việt Nam năm 2016 và của các đội Đông Nam Á từ năm 1970 trở về trước phản ánh rằng chất lượng ở khâu đào tạo trẻ chính là mấu chốt tạo nên thành tích, cho các đội U20 của từng nền bóng đá tại giải U20 châu Á.
Giai đoạn từ năm 1970 đến nay, các nền bóng đá Đông Nam Á đầu tư cho bóng đá trẻ không mạnh như các nền bóng đá Ả rập, nên bóng đá Đông Nam Á đang tụt lại phía sau so với khu vực này.
Tố chất của cầu thủ Đông Nam Á cũng không tốt như cầu thủ Ả rập, nên một khi đầu tư kém đối thủ, sự thua thiệt của các cầu thủ trẻ Đông Nam Á so với các cầu thủ trẻ thuộc các nền bóng đá Ả rập càng tăng lên.
Hiện tại, truyền thông Đông Nam Á kêu gọi các nền bóng đá trong khu vực có sự đột phá trong công tác đầu tư, để bóng đá trẻ Đông Nam Á tìm lại một phần thời huy hoàng ngày xưa.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/thoi-huy-hoang-cua-bong-da-dong-nam-a-tai-giai-u20-chau-a-da-qua-xa-20250218155220178.htm