Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết như vậy tại hội thảo ung thư quốc gia với chủ đề: “Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số”, ngày 31-10, do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức.
75% số ca tử vong do ung thư tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình
Ông Thuấn nhấn mạnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Dự báo đến năm 2030, khoảng 75% số ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Trong 50 năm tới, gánh nặng ung thư dự kiến tăng 400% ở các nước thu nhập thấp, 168% ở các nước thu nhập trung bình do tác động của gia tăng dân số, tuổi thọ, đô thị hóa và thay đổi lối sống. Đáng nói chỉ 10% bệnh nhân ở các quốc gia thu nhập thấp và 50-60% ở các quốc gia thu nhập trung bình có thể tiếp cận xạ trị, so với 90% ở các quốc gia thu nhập cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định những năm qua, chuyên ngành ung thư đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tỉ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư tại các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu ở Việt Nam đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Một thuận lợi lớn nữa cho người bệnh ung thư là hầu hết các xét nghiệm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật đều được BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần mặc dù chi phí hết sức tốn kém. Báo cáo năm 2023 cho thấy chi trả cho thuốc điều trị ung thư lên tới hơn 7.500 tỉ đồng, chiếm 15,8% tổng chi khám chữa bệnh BHYT, con số này năm 2022 là hơn 6.600 tỉ đồng (chiếm 14,5%).
Thúc đẩy tầm soát bệnh ung thư
Theo GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, công tác phòng chống ung thư hiện vẫn là thách thức lớn với nền y học, đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật hiện đại và sự nỗ lực của người bệnh, gia đình, sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng.
Hiện tỉ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đã nhiều hơn, các kỹ thuật tiên tiến được cập nhật được liên tục. Phương pháp điều trị đa mô thức bệnh ung thư hiện được triển khai tại nhiều cơ sở y tế, tăng cơ hội được điều trị khỏi hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, nhiều thuốc mới có chi phí cao nên ít người bệnh được sử dụng.
“Chúng tôi đã và đang phối hợp, nghiên cứu và đề xuất để có thể đưa được nhiều thuốc hơn vào danh mục thuốc BHYT chi trả, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người bệnh” – ông Quảng cho biết.
Thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2022 Việt Nam ước tính có 180.480 trường hợp mới mắc ung thư và 120.184 trường hợp tử vong do ung thư. Việt Nam có tỉ suất mắc mới cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với 150,8 ca mắc/100.000 dân; và xếp thứ 20/47 trong các quốc gia châu Á. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn còn cao.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư; đồng thời đề nghị các cơ sở y tế hợp tác quốc tế, đưa công nghệ chẩn đoán sớm, điều trị cá thể hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc ung thư.
Hội thảo “Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số – Cập nhật ASCO 2024” diễn ra trong 2 ngày 31-10 và 1-11 có sự tham gia của hơn 1.300 nhà khoa học, chuyên gia, trong và ngoài nước đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Úc…
Đây là cơ hội để các nhà chuyên môn chia sẻ, cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức, quản lý bệnh viện… từ đó thúc đẩy trình độ chuyên môn cho chuyên ngành điều trị ung thư.
Nguồn: https://nld.com.vn/viet-nam-xep-thu-101-tren-ban-do-ung-thu-the-gioi-196241031160849288.htm