Chiều 20.2, giá USD trên thị trường tự do giảm 10 đồng, giá mua vào còn 25.605 đồng, bán ra 25.705 đồng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại giữ giá ổn định ở mức cao. Vietcombank mua vào 25.320 – 25.350 đồng, bán ra 25.710 đồng. ACB mua vào với giá 25.330 – 25.360 đồng, bán ra 25.710 đồng… Giá bán USD trong ngân hàng cao hơn thị trường tự do. Điều này khá hy hữu trong mấy năm trở lại đây.

Giá USD ngân hàng cao hơn tự do
Trong khi đó, giá bán USD của Cục quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (thuộc Ngân hàng Nhà nước) vẫn duy trì mức tăng. Ngày 20.2, Cục quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng giá bán USD thêm 11 đồng, lên 25.825 đồng/USD. Sau khi điều chỉnh tăng giá ngoại tệ từ ngày 11.2 đến nay, giá bán ngoại tệ của đơn vị này đã tăng 375 đồng/USD, thêm 1,47%.
Giá USD tăng trở lại khi nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước tăng lên. Mới đây, Kho bạc Nhà nước thực hiện mua 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Đây là đợt mua thứ 2 của Kho bạc Nhà nước trong vòng 7 ngày trở lại đây, với tổng ngoại tệ mua vào là 350 triệu USD. Ngày thanh toán dự kiến của đợt mua thứ 2 là 21.2.
Theo Công ty Chứng khoán Tiền Phong (TPS), tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2025 và có thể chạm mốc 26.000 đồng/USD vào cuối năm. Đặc biệt, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm lại tiến trình cắt giảm lãi suất, bên cạnh đồng USD mạnh lên có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trở nên thận trọng hơn.
Một trong những tác động lớn đến tỷ giá USD/VND là tình hình lạm phát tại Mỹ. Lạm phát tăng lên 3% trong tháng 1/2025, tạo khó khăn cho kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed. Việc hạn chế tiến trình giảm lãi suất của Fed trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường lao động vững vàng, đã giữ cho đồng USD mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng gây ra sự không chắc chắn trong thương mại quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác mà còn làm gia tăng áp lực lên các đồng tiền quốc gia, bao gồm cả đồng Việt Nam (VND). Chính sách thuế quan có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá USD/VND lên cao, vì dòng tiền quốc tế tiếp tục đổ vào USD như một kênh đầu tư an toàn. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm và tăng trần tỷ giá USD bán ra. Việc tăng trần tỷ giá USD cho phép Ngân hàng Nhà nước có thêm công cụ để can thiệp vào thị trường sau này khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng.
TPS cho rằng việc tỷ giá tăng mạnh đầu năm còn gây bất ngờ với giới đầu tư khiến cho phản ứng của thị trường có phần thái quá trong các phiên ngày 12.2, tuy nhiên dựa trên định hướng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm nay của Chính phủ và tình hình bất ổn về chính trị thương mại thế giới, kịch bản tỷ giá giới hạn ở 26.000 đồng/USD là một kịch bản tích cực.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-usd-ngan-hang-cao-hon-tu-do-kho-bac-nha-nuoc-tiep-tuc-mua-ngoai-te-185250220161634713.htm