Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeĐời SốngCây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc

Cây cầu ‘bí ẩn’ trên rạch Nhiêu Lộc

Trong bài diễn văn Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Nguyễn Đình Đầu dịch – NXB Trẻ – 2022, trang 33, 34) đọc tại Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký chỉ kể ra ba cầu dọc rạch/sông Thị Nghè: cầu Thị Nghè, cầu Bông và cầu Xóm Kiệu (cầu Kiệu).

Không nhắc cầu Lão Huệ. Có thể do cầu này thuộc rạch Nhiêu Lộc, xa khu trung tâm Sài Gòn quá. Cũng có thể cầu này nhỏ và không quan trọng.

Cây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 'Chỗ cùng nguyên' là ở đâu?- Ảnh 1.

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Cây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 'Chỗ cùng nguyên' là ở đâu?- Ảnh 2.

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Một phần bản đồ quân sự năm 1860 (trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công đại đồn Chí Hòa) vẽ và đánh số vị trí 4 cây cầu trên rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ngay cầu số 4 (4e pont, khoanh tròn), nét vẽ gạch xéo ký hiệu “vùng lầy lội”. Bên phải là cầu số 3 (cầu Kiệu). Ô giữa bên trái cầu nay là ngã ba Ông Tạ chú thích “fort central” (đồn trung tâm/đồn chính).

Giai đoạn sau đó, toàn bộ các bản đồ lúc ấy, như bản đồ “Saigon et ses environs (Sài Gòn và vùng phụ cận) – 1892” vẽ trên tường Bưu điện Sài Gòn cũng ghi nhận rõ: dọc rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ rạch Bùng Binh (nay là đường Rạch Bùng Binh) lên đầu nguồn (qua ngã tư Bảy Hiền) nước ngập hai bên rạch như đầm lầy. Đến năm 1959, bản đồ vẫn ghi nhận đầm lầy, ruộng lúa dọc hai bờ rạch này và khu vực sau đó vài năm là Căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám (hiện là đường và chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình) vẫn còn nhiều vũng lầy, trũng thấp đọng nước khá lớn.

Vùng đầm lầy nằm một bên đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Bên kia đường (phía chợ Hòa Hưng hiện nay) lại là khu đất cao mà bản đồ Trần Văn Học năm 1815 cũng ghi nhận. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ghi chú là gò Bầu Tròn. Khu này ít bị ngập lụt khi trời mưa, thuộc khu vực cánh đồng mồ mả lớn nhất Sài Gòn trước và sau thời Pháp thuộc.

“Chỗ cùng nguyên” của rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè thực tế đúng là từ cầu Lão Huệ trở lên đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc, nơi rạch và đầm lầy lẫn lộn nên cũng khó bắc cầu. Có lẽ đây là lý do con đường mòn (sentier) nay là Phạm Văn Hai gắn với ngã ba Ông Tạ ít nhất đã được vẽ trong các bản đồ thám sát và hành quân của liên quân Pháp – Tây Ban Nha 1860 – 1861 (tức con đường đã có trước đó) tới đầu thập niên 1910 vẫn chưa có cầu nào bắc qua.

Cây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 'Chỗ cùng nguyên' là ở đâu?- Ảnh 3.

Bản đồ in trên báo Courrier de Saigon ngày 5.10.1864 chú thích vị trí 34 là cầu Nhiêu Lộc

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Trước và thuở đầu Pháp thuộc, chưa có hai con đường nay là Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sỹ. Từ phần cuối rạch Nhiêu Lộc lên đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, xưa là những vườn rau lớn liên tiếp cung cấp rau cho cả khu vực phía bắc Sài Gòn.

Những vườn, rẫy rau của bà con Gia Định cố cựu này đã có từ rất lâu và cũng tồn tại qua hàng thế kỷ. Hồi 1968, theo gia đình đi chơi Sở thú và đi lễ nhà thờ Ba Chuông nhiều lần, tôi vẫn còn thấy ba vườn rau dọc đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), hai vườn ở hai bên cơm tấm Ba Ghiền hiện nay và một vườn ở bên phải đường Huỳnh Quang Tiên, sát với ngã ba Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển).

Trên đường đi, từ ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) – Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ lên Huỳnh Quang Tiên), ngoài mấy vườn rau trong Sở Bảo vệ mùa màng (nay là Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam – SSC) tôi còn thấy bốn vườn rau nữa dọc đường Trương Minh Ký: hai vườn ở phía sau ngôi nhà phở Phú Vương, ăn ra đầu hẻm 337 Lê Văn Sỹ (phở Phú Vương), sau này là cư xá Thoại Ngọc Hầu và phở Quỳnh Tín (hiện nay là Viện Kiểm sát Nhân dân Q.Tân Bình) và hai vườn bên kia đường, tới sát con hẻm nay là đường Tân Canh.

Đi thêm chút nữa, đến tận những năm 1973, 1974, khi đến tòa soạn báo Thiếu Nhi trên đường Thiệu Trị (nay là đường Trần Hữu Trang), tôi còn thấy một vườn rau lớn trên đường này, cạnh khu nghĩa địa Phong Thần (nay là chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận).

Cây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 'Chỗ cùng nguyên' là ở đâu?- Ảnh 4.

Đến cuối thập niên 1960 vẫn còn một số vườn rau dọc đường Trương Minh Ký, nay là Lê Văn Sỹ

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Từ ngã tư Thoại Ngọc Hầu – Trương Minh Ký đi ngược về hướng Lăng Cha Cả, gần cuối đường Trương Minh Ký cũng có hai vườn rau khá lớn: một vườn gần mũi tàu với đường Nguyễn Minh Chiếu, sau Trường Tân Sơn Hòa (nay là Trường THCS Ngô Sĩ Liên) sang tới đường Nguyễn Minh Chiếu và một vườn đối diện bên kia đường, góc Bùi Thị Xuân, ăn tới sau nghĩa địa Tân Định thuộc khu nghĩa địa nay là chợ Phạm Văn Hai.

Ngày 28.10.1938, đoạn đường nay là Nguyễn Văn Trỗi (từ cầu Công Lý đến Tân Sơn Nhứt) mới khánh thành. Sau đó, đường Lê Văn Sỹ hiện nay (đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến Lăng Cha Cả) mới có. Thuở hai con đường lớn chưa có, rõ ràng cũng chưa có hai cây cầu Công Lý và Lê Văn Sỹ hiện nay. Vì vậy, gánh rau của những vườn rau này và người dân nơi đây nếu muốn ra các khu chợ và ra đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám) phải có một cây cầu. Và đây là cây cầu số 4/cầu Nhiêu Lộc mà các nhận định xưa nay đều cho đó là cây cầu vốn có tên Lão Hòa/Lão Huệ/Huệ/Nhiêu Lộc.

Cây cầu 'bí ẩn' trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 'Chỗ cùng nguyên' là ở đâu?- Ảnh 5.

Ngã ba Đặng Văn Ngữ – Nguyễn Trọng Tuyển hiện nay, dãy nhà bên trái hồi cuối thập niên 1960 vẫn còn là một vườn rau khá lớn

Từ giữa thập niên 1960, nhiều nhà sàn được dựng lên vội vã dọc rạch Nhiêu Lộc. Ông Trần Văn Tân, cư dân của một trong những nhà sàn ban đầu này là dân từ miền Tây lên, cho biết: “Khi nước ròng, lúc đó (1954 – 1955) vẫn thấy những cây gỗ bằng bắp vế mục nát cắm ngang rạch, từ phía Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ) sang bên kia rạch. Mấy ông bà già dân Nam cố cựu nơi đây nói thời ông cố, ông sơ kể lúc đó có một cây cầu bắc qua đây để theo đường bên kia ra lộ lớn lên Sài Gòn hoặc đi Miên (tức đường Thiên Lý xưa, nay là Cách Mạng Tháng Tám). Cây cầu bỏ hồi nào không rõ, còn lại mấy trụ cầu cắm dưới rạch”. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/cay-cau-bi-an-tren-rach-nhieu-loc-thi-nghe-cho-cung-nguyen-la-o-dau-185250221221032208.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay